Trong suốt 90 năm, hàng nghìn thợ điêu khắc và công nhân xây dựng đã nỗ lực hết mình để xây dựng bức tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới tại Trung Quốc, để lại cho hậu thế một tác phẩm nghệ thuật vô giá.
Nằm cách thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc không xa là vị trí của tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới được tạc vào sườn núi Lăng Vân. Bức tượng hơn 1.300 năm tuổi này được gọi là Lạc Sơn Đại Phật. Bức tượng thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, bao gồm cả những người hành hương Phật giáo, khiến nó trở thành một điểm đến thiêng liêng cũng như một kỳ quan cổ đại của thế giới.
Kiến trúc độc đáo
Tượng Lạc Sơn Đại Phật nằm đối diện với ngọn núi thiêng Nga Mi ở phía đông thành phố Lạc Sơn. Đây là nơi giao nhau của ba con sông: Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y. Bức tượng miêu tả một tu sĩ với dáng vẻ mập mạp đang mỉm cười, dáng ngồi bình thản, hai tay đặt trên đầu gối, mắt nhìn chăm chú qua sông. Bức tượng được cho là Phật Di Lặc, biểu tượng của sự sáng suốt và hạnh phúc. Việc tôn thờ Phật Di Lặc đặc biệt phổ biến vào giữa thế kỷ thứ 4 và thứ 7. Ngày nay, hình ảnh Phật Di Lặc vẫn xuất hiện ở nhiều ngôi chùa Phật giáo trên khắp Trung Quốc.
Điểm đặc biệt của tượng Lạc Sơn Đại Phật không chỉ nằm ở kích thước mà còn ở sự khéo léo trong lối kiến trúc. Toàn bộ bức tượng làm bằng đá, ngoại trừ đôi tai được chế tác từ gỗ, sau đó dán và phủ bằng đất sét. Mái tóc của tượng Phật bao gồm 1.021 lọn tóc xoắn ốc đặc biệt được xếp cạnh nhau tỉ mỉ, cẩn thận, đẹp mắt.
Tượng Lạc Sơn Đại Phật cao ngang bằng tòa nhà mười tầng (71 m), và nếu đứng thẳng nó sẽ cao tương đương tượng Nữ thần Tự do của Mỹ. Phần đầu bức tượng cao 15 m, vai rộng 28 m, lông mày dài 5,5 m, mũi cao 6 m. Tai dài 7 m, có khả năng chứa hai người bên trong. Mỗi bàn chân trần dài 11 m, rộng 8,5 m, đủ lớn cho 100 người ngồi. Phật ngồi ở tư thế đối xứng, tạo ra cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái.
Một số lối thoát nước nằm ẩn bên trong phần tóc, cổ, ngực và sau tai đã ngăn bức tượng tránh bị xói mòn nghiêm trọng và phong hóa qua hàng thiên niên kỷ. Hệ thống thoát nước của tượng Phật khá phức tạp, bao gồm các rãnh và máng nước, giúp dẫn nước mưa và giữ cho phần bên trong bức tượng luôn khô ráo. Đây là lý do tại sao tượng Phật khổng lồ vần còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Bức tượng khi mới hoàn thành được bảo vệ bởi 13 tầng gác làm bằng gỗ lớn, nhưng chúng đã bị phá hủy vào cuối triều đại nhà Minh khiến bức tượng không còn được che chắn.
Nguồn gốc bức tượng
Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật được xây dựng nhằm mục đích làm cho nước sông dưới chân núi Lăng Vân bớt hung dữ hơn, tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại, hạn chế những vụ đắm tàu đã giết chết nhiều người mỗi năm. Vào thời nhà Đường, một nhà sư tên là Hải Thông đã quyết định chạm khắc một bức tượng khổng lồ tại chỗ hợp lưu của ba con sông. Ông hy vọng nó sẽ giúp xoa dịu các vị thần sông và cứu sống nhiều người dân địa phương hơn.
Với niềm tin này, nhà sư Hải Thông đã đi gây quỹ trong thời gian 20 năm để có đủ tiền bắt đầu công việc của mình. Theo truyền thuyết, một số quan chức chính quyền địa phương muốn chiếm đoạt số tiền lớn của Hải Thông, nhưng nhà sư tuyên bố họ có thể lấy đi con mắt của ông chứ không thể cướp số tiền quyên góp xây tượng Phật.
Khi nguồn tài trợ cho công trình bị đe dọa, nhà sư Hải Thông tự khoét mắt để bày tỏ lòng mộ đạo và sự ngay thẳng của mình. Cuối cùng ông cũng bảo vệ được khoản tiền và bắt đầu thực hiện dự án vào năm 713 sau Công nguyên. Tuy nhiên, nhà sư qua đời khi dự án mới hoàn thành được một nửa. Hai đệ tử của ông đã tiếp tục xây dựng công trình và hoàn thiện nó vào năm 803 sau Công nguyên.
Kể từ khi xây xong tượng Phật, dòng nước sông hung dữ trở nên hiền hòa. Theo giải thích của các nhà khoa học, rất nhiều đá từ vách núi rơi xuống đáy sông trong quá trình xây dựng tượng Phật đã làm thay đổi dòng chảy, khiến con sông trở nên an toàn hơn. Nhờ đó tàu thuyền có thể yên tâm qua lại.
Bảo tàng điêu khắc của Phật giáo
Với danh hiệu là bức tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới, tượng Lạc Sơn Đại Phật đã được đưa vào trong thơ ca, hội họa và nhiều câu chuyện lịch sử. Đối với người Trung Quốc cổ đại, việc xây dựng một bức tượng có kích thước to lớn là cách để họ cảm ơn các vị thần. Ngoài tượng Lạc Sơn Đại Phật, hàng nghìn tượng Phật nhỏ được người dân chạm khắc xung quanh bức tượng khổng lồ này, tạo thành một bảo tàng điêu khắc trên núi của Phật giáo. Nổi bật nhất trong số đó là tượng hai hộ pháp nằm ở hai bên tượng Phật, cao khoảng 16 m, rộng 6 m, thân mặc chiến bào, tay cầm vũ khí. Người dân cũng xây dựng một đền thờ để tưởng nhớ công lao của nhà sư Hải Thông gần tượng Phật.
Trải qua thời gian, một số phần nhỏ của tượng Lạc Sơn Đại Phật bị hư hại do sự bào mòn của mưa và gió. Năm 1963, chính quyền Trung Quốc bắt đầu trùng tu bảo vệ bức tượng. Năm 1996, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận khu vực núi Nga Mi và khu thắng cảnh tượng Lạc Sơn Đại Phật là Di sản thế giới. Kể từ đó đến nay, công việc bảo quản bức tượng luôn nằm dưới sự giám sát của những chuyên gia UNESCO.
Hiện tại, bức tượng Lạc Sơn Đại Phật luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của Trung Quốc. Vào đầu năm mới âm lịch, hàng chục nghìn người dân Trung Quốc đổ về đây để tỏ lòng thành kính và cầu nguyện cho sự may mắn.
Du khách có thể mất hàng giờ xếp hàng, nối đuôi nhau leo cầu thang trên núi để đến được vị trí ngang bằng với đầu tượng Phật. Sau đó, họ có thể di chuyển xuống phần sân dưới chân tượng để chụp ảnh lưu niệm. Nếu không có nhiều thời gian, du khách nên đi thuyền trên sông để ngắm trọn vẹn cả bức tượng.